5 Distro Linux cho Người Mới Bắt Đầu

Distro là gì? 

Linux Distro (hay bản phân phối Linux) là khái niệm để gọi những hệ điều hành phát triển từ Linux. Linux thật ra chỉ là tên gọi của kernel hệ điều hành, bản thân nó không phải một hệ điều hành hoàn chỉnh, mà chính từ nhân đó, người ta sẽ có thể xây dựng các tính năng và tích hợp những thành phần khác nhau để tạo ra một hệ điều hành hoàn chỉnh. Và từ đó khái niệm distro đã được dùng để nói đến một hệ điều hành được xây dựng trên kernel Linux.
Ngoài ra thì các hệ điều hành mới được phát triển và xây dựng lại trên một distro đã có sẵn cũng được gọi là một distro, chẳng hạn như Ubuntu phát triển lại trên Debian vậy.
Chim cánh cụt là biểu tượng của Linux 
Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều distro đã được phát hành, mỗi distro điều có một mục đích phát triển và nhắm tới một nhóm người dùng riêng. Vì vậy, đối với những người mới, bạn sẽ khó có thể tự chọn được một distro phù hợp. Điều này có thể sẽ gây làm các bạn hoang mang đấy, nhưng bạn đừng quá lo lắng, mình ở đây để giúp bạn. Sự đa dạng không phải là một nhược điểm, nguyên nhân chính là vì Linux có tình tùy biến rất cao, nên nếu đủ khả năng, bạn cũng sẽ có thể tự xây dựng một distro dành riêng cho bạn.
Và dưới đây mình xin giới thiệu đến các bạn 5 distro Linux thích hợp dành cho người mới bắt đầu. Sở dĩ vậy là do nó có giao diện đẹp, trực quan, dễ sử dụng và phù hợp với tất cả mọi người.

1. Ubuntu

Vị trí đầu tiên không ai khác đó chính là Ubuntu, tuy không phải là lựa chọn được yêu thích nhất nhưng đây là distro Linux phổ biến nhất trên thế giới. Ubuntu được xây dựng để hướng tới người mới bắt đầu làm quen với Linux. Vì vậy mọi thứ sẽ được đơn giản hóa, bạn sẽ không cần phải lo lắng vì không biết các dòng lệnh, Ubuntu không yêu cầu bạn phải biết, nhưng nó sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có thể kiểm soát chiếc máy tính của mình qua Terminal.
Giao diện Ubuntu.
Ubuntu hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ, có cả tiếng Việt nữa, tuy nhiên mình khuyến khích các bạn nên sử dụng English để hệ thống ổn định nhất. Việc cài đặt Ubuntu cũng rất đơn giản, khi cài đặt, bạn sẽ có một số lựa chọn như sau:

  • Install Ubuntu removing the older OS: Cài đặt Ubuntu và xóa hệ điều hành cũ.
  • Install Ubuntu alongside the existing OS: Cài đặt song song Ubuntu, giữ nguyên hệ điều hành cũ.
  • Configure partitions for users who know what they are doing: Tự cấu hình phân vùng bằng tay nếu bạn có đủ khả năng.

Ubuntu được phát triển trên nền tảng của Debian, sử dụng hệ thống giao diện Unity, nó hơi khác so với Windows, vì vậy bạn sẽ cần một chút thời gian để làm quen. Ngoài ra thì Ubuntu còn có những flavor (biến thể) khác với những hệ thống giao diện khác nhau cho bạn tha hồ lưa chọn.
Còn về sự hỗ trợ, có thể nói Ubuntu dẫn đầu điều này vì nó có cộng đồng người dùng rất đông đảo, bạn gần như sẽ tìm được cách giải quyết mọi vấn đề trên AskUbuntu hay Ubuntu Forum.
Xem trang chủ và tải về Ubuntu

2. Linux Mint Cinnamon

Còn đây chính là distro đang được cộng đồng yêu thích nhất. Với giao diện Cinnamon tuyệt đẹp, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng. Với người mới Cinnamon rất hữu ích, nó sắp xếp các ứng dụng theo chuyên mục. Điều này thực sự cần thiết, vì hầu hết các ứng dụng thân thuộc trên Windows sẽ không có mặt trên Linux, nhưng thay vào đó ta sẽ có những phần mềm thay thế với chức năng tượng tự, người dùng sẽ dễ dàng tìm kiếm ứng dụng mà mình cần hơn.
Linux Mint Cinnamon
Bản thân Linux Mint rất nhanh và trợ tru, chạy ổn định trên cả những máy tính có cấu hình thấp. Được phát triển dựa trên Ubuntu LTS nên Mint kế thừa gần như toàn bộ những tinh hoa của Ubuntu, kể cả kho ứng dụng đồ sộ của Ubuntu.
Những người đã từng yêu thích giao diện của Windows 7 chắc chắn sẽ rất hài lòng với Linux Mint vì mọi thứ sẽ thân thuộc như đang ở nhà vậy. Đó chính là lý do mà tại sao  Linux Mint thường được giới thiệu cho những người mới bắt đầu chuyển sang Linux, họ sẽ thấy mọi thứ thân thuộc hơn với Linux Mint.
Xem trang chủ và tải về Linux Mint

3. Zorin OS

Nếu nói về giống Windows 7 nhất, thì có lẽ phải nhắc tới cái tên Zorin OS.
Zorin OS là distro Linux cũng được phát triển dựa trên Ubuntu, hoàn toàn dành cho những người không muốn từ bỏ Windows. Mặc dù hầu hết mọi distro Linux đều có thể sử dụng được bởi tất cả mọi người, tuy nhiên một số người cảm thấy rất khó chịu khi phải thiếu đi những thứ đã thân thuộc. Zorin OS cố gắng tránh tối đa điều này, nên nó đã được xây dựng để trông giống Windows 7 nhất có thể.
Giao diện của Zorin OS.
Quản lý gói (package) là một khái niệm mới cho những người mới đến Linux. Đó là lý do tại sao Zorin OS đi kèm với một danh sách phần mềm cài sẵn rất lớn. Bất cứ ứng dụng nào mà bạn cần, có thể nó đã được cài đặt trên Zorin OS rồi. Chưa hết đâu, WinePlayOnLinux được cài đặt sẵn để bạn có thể chạy phần mềm và trò chơi Windows yêu thích ở đây.
Ngoài ra thì Zorin OS còn có một hệ thống thay đổi theme tuyệt vời được gọi là Zorin look changer. Nó cung cấp một số tùy chọn tuỳ biến để làm cho hệ điều hành của bạn trông giống như Windows 7, XP, 2000 hoặc thậm chí là một máy Mac. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái như ở nhà vậy.
Xem trang chủ và tải về Zorin OS

4. Elementary OS

Chúng ta đã có những distro dành cho người dùng Windows ở trên, và bây giờ là một distro dành cho người dùng MacOS chuyển sang Linux. Elementary OS cũng luôn nằm trong top 10 các distro được yêu thích nhất, tất cả là nhờ vào giao diện của nó. Được lấy cảm hứng từ chính MacOS, đây là một trong những distro có giao diện đẹp nhất.
Giao diện Patheon lấy cảm hứng từ MacOS.
Elementary OS cũng xây dựng dựa trên Ubuntu, vì vậy bạn cũng sẽ chẳng phải lo lắng hay nghi ngờ gì về tính ổn định của nó. Sử dụng giao diện đồ họa Pantheon desktop. Bạn có thể nhận thấy ngay sự giống nhau của nó với các máy tính MacOS. Đây là một lợi thế cho người dùng MacOS chuyển sang Linux vì họ sẽ rất thoải mái với điều này.
Xem trang chủ và tải về Elementary OS

5. Manjaro Linux

Được rồi, đã quá đủ cho team Ubuntu rồi. Tiếp theo đây chúng ta có một distro được phát triển dựa trên Arch Linux.
Đã có người nói rằng Arch Linux chỉ dành cho những chuyên gia về máy tính, vì quá trình cài đặt Arch Linux thôi đã rất là phức tạp. Điều đó là đúng, nhưng Manjaro Linux thì khác, nó được phát triển để mang đến một trải nghiệm thoải mái cho người dùng.
Giao diện Manjaro Linux.
Manajro Linux có một quá trình cài đặt thân thiện với người mới. Rất nhiều thứ được tự động cài đặt như driver bằng cách sử dụng Hardware detection. Đối với Manjaro Linux, các sự xung đột về driver được nhà phát triển tối ưu nhất có thể, vì vậy bạn sẽ chẳng cần lo lắng.
Manjaro có cả kho phần mềm riêng của mình, để đảm bảo các phần mềm luôn được cập nhật mới nhất. Trong khi cung cấp cập nhật phần mềm là ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định. Đây là một trong những khác biệt chủ yếu giữa Arch và Manjaro. Manjaro sẽ trì hoãn lại lịch cập nhật của các phần mềm để đảm bảo các chúng phải đã hoạt động ổn định trước khi phát hành chính thức. Tuy nhiên, bạn cũng có thể truy cập Arch User Repository trên Manjaro, vì vậy bất cứ thứ gì bạn cần đều có.
Với những ưu điểm vượt trội như cài đặt dễ dàng hơn, quản lý phần mềm tốt hơn, hỗ trợ tốt các phần cứng, Manjaro xứng đáng là một trong những distro Linux tốt nhất và dễ tiếp cận nhất.
Manjaro Linux có tất cả những phiên bản giao diện sử dụng XFCE, KDE, Gnome, Cinnamon. Bạn có thể tìm và tải về tại trang chủ.
Xem trang chủ và tải về Manjaro Linux

Lời kết

Vậy lựa chọn của bạn là gì? Hãy cho tụi mình biết nhé ;-) Hay nếu bạn tìm thấy được distro nào muốn giới thiệu đến tụi mình, hãy để lại bình luận nhé! Chúc các bạn có trải nghiệm thật thú vị.
Tham khảo từ It's FOSS

Post a Comment

1 Comments